Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

MỪNG SINH NHẬT CON

Con - kết tinh từ sự lắp ráp bởi hai khuôn mẫu mà "nhân vật" chính mang tố chất "lãng mạn-cách mạng", mơ màng sắm vai diễn tuồng "Cuốn theo chiều gió". Hấp thu hơi thở: “gặp thời thế, thế thời phải thế”! … Thủa ấy, bố mẹ mấp mé chạm ngưỡng đôi mươi, ngờ nghệch xông xáo giữa bối cảnh xã hội vừa đắm chìm trong cuộc chiến dai dẳng, nên thừa tai ương khổ nạn, thiếu ăn, thất học, mất mùa … Mười tám tuổi, "lập thân" với mãnh bằng Tốt nghiệp cấp ba, ấu trĩ đặt trọn niềm tin nơi “mặt nạ - người”. Nổ lực vươn tới, nhằm được giao việc, nhận lãnh chút đỉnh lương bèo, chí ít thoát chết vì đói.
Hành trang gói gọn trái tim hằn nguyên vết rạn, e chừng khó mờ tì vết … Mẹ dè dặt, len lỏi xuống khoang thuyền chông chênh. Ngây thơ tham vọng "khuynh loát" giang sơn tộc họ “Hồ”… Tập tểnh liếm láp dư vị dịu ngọt buổi đầu, mặc cho hồi sau lắng đọng, mặn chát cay nồng, đắng đót tim gan. Bố từng bùng lên đốm lửa, nhen nhóm “cõi lòng - ngọn nến” le lói hắt hiu, chực chờ tắt ngóm. Sính lễ cầu hôn: giản dị chỉ "tấm lưng" vững chải, mẹ ân cần tựa nương mỗi khi quạnh quẽ, tâm hồn trĩu nặng chao nghiêng. Ngông cuồng chèo chống, ngạo nghễ cợt đùa số phận. Phiêu lưu giữa bập bềnh mênh mông sông nước. Lì lợm đối mặt sóng to quăng quật, mưa gió dập dồn … Sức bật của kẻ chẳng có gì để mất, nén tủi hờn, nuốt nước mắt pha mồ hôi, trộn chất xám làm kế mưu sinh, bố mẹ lập nên kỳ tích "vượt lên chính mình".
Dẫu “cái được” nhỏ nhoi hiếm hoi, còn nỗi ám ảnh khôn nguôi viễn cảnh "hạnh phúc mong manh" thì thường trực. Thi thoảng thầm lặng, tái tê phiền não, mẹ chiêm nghiệm quá khứ, hiện tại, ngao ngán ngộ ra thông điệp: Đừng bao giờ đặt tất cả ý nghĩa đời mình vào mối quan hệ đầy giông tố bảo táp như tình yêu lứa đôi!. Song vẫn miệt mài chắt chiu, thu vén tổ ấm ngày một tử tế, tinh tươm, hoàn hảo. Mẫn cán ươm mầm, dưỡng nuôi hoài bảo. Bố mãi là bóng cả, mẹ tĩ mĩ vun đắp, trân trọng giữ gìn những gì mình đang có, để chị em con luôn tươi tắn, rạng ngời, thảnh thơi, thanh thản sống tốt.

Qua 30 mùa xuân, vẫn còn lóng ngóng lơ ngơ khi nhậm chức: “bố - mẹ”, không say sưa ngắm nghía tưng tiu châm bẫm tác phẫm của mình mới là lạ. Con có mọi thứ mà một đứa trẻ bình thường thời đó ắt thèm thuồng. Để trị thói biếng cười hay khóc quấy, lười ăn, bố mẹ loay hoay sưu tầm: siêu nhân cao su, máy bay thép, ôtô sắt, chú lính chì sáp, chim chóc giấy bồi, muông thú nhồi bông, búp bê tóc xù nhựa dẻo giã da, đồ dùng nấu bếp nhôm, dụng cụ y tế mi ca ... Thế nhưng, dưới bàn tay siêng năng “khám – phá” của con, tất thảy phút chốc chỏng chơ, hỏng hóc, sút sổ, gãy gọng, lặt lọi lặt lìa. Lớn lên một tí, nét gai góc lộ thêm một chút.
Ký ức hiện về những ngày con bở ngỡ đánh vật với dờ , đờ , ê, a, i, tờ … liếng thoắng, cắc cớ thắc mắc, khiến mẹ tù mù, ngắc ngứ: “Mẹ ơi! có thứ hai, sao không có thứ một”; “Có thứ bảy, sao không có thứ tám”; “Có anh hùng, sao không có chị hùng”- mẹ bó gối, thúc thủ! … Hoặc khi cần yên tĩnh thì con luẩn quẩn léo nhéo buộc mẹ bóp trán bày trò: “giặt đồ đi con – con giặt đồ rồi”; “Phơi đồ đi con – con phơi đồ rồi”; “Đi làm đi con – con đi làm về rồi”… Mỗi bận kiễm tra vỡ, hồi hộp cứ y như xổ số, bực bội mẹ gắt gỏng: “phải cố đạt điễm 10, nếu 9 điễm mẹ phạt 1 roi; 8 điễm phạt 2 roi ...”; Ràn rụa nước mắt ngắn dài, con phản phé : “vô lý, làm gì có chuyện lúc nào cũng được điễm 10? ”; Và thực sự sốc, khi con hậm hực: “Mẹ bắt thôi học võ Aikido là con bỏ học chữ…”. Đoán bố sắp ra phố, thoắt như sóc vọt theo, dù vẳng bên tai tiếng quát: “mê chơi, lát nữa khảo bài không thuộc là mười roi đấy – giờ mẹ quất con trước đi” (?!). Sẽ khó thắng nổi, nếu không thảng thốt: “Mẹ hết thương con rồi”, ngày ấy bị ghẻ lạnh với con khủng khiếp hơn trận đòn thâm ngang, tím dọc.
Lên năm, nhác thấy bà bồng bế cháu khác, giận dỗi, lũi thủi vù ra đường, hàng xóm láng giềng kịp ngăn chặn ngay lúc con thậm thụt kề ngã tư ken đặc, đông đúc đủ loại phương tiện giao thông. Có hôm rỗi rãi lang thang ghé thăm nhà ta, ông lại một phen hú vía bắt gặp con lăng xăng ngoài ngõ hướng về phía ngoại. Lần khác mục kích người bán hàng nạt nộ mẹ, con đã băng bừa xuyên ngách hẽm ngoằng ngoèo, gọi bố đến “cứu nguy”… xiêm áo đầm đìa chớ uổng công nài nĩ, vải quần mềm mại dứt khoát vứt, riết rồi mẹ cũng đành chào thua để con mang bộ dạng chú nhóc bặm trợn … Còn nhớ những lúc mẹ con mình mệt nhoài bới tung các cửa hiệu lục tìm đồng phục kiểu cọ na ná nam sinh (?!). Hoặc cùng mẹ lượn lờ lựa đặt 6 chiếc áo dài, lừa qua lọc lại con cũng chỉ sử dụng đúng 2 chiếc dạng trơn, không in hoa. Giày dép, mẫu mã màu sắc nữ nhi là ứ có ép … Đột phá, ưng ướm áo Ngành KS, trộm nghĩ con thử làm người lớn hoặc chỉ chiều mẹ cho vui ...

Em con, nhút nhát, nhỏng nhẽo, ướt át, ẻo lã … Lệ thường truyền thống gia đình Á Đông thuần túy đều ước ao hội đủ nếp, tẻ … Oái oăm thay, mẹ lại không sản xuất được “giống” nối dõi tổ tông nhà chồng(!). Thật trớ trêu, có ai chọn được cửa sinh ra (?) bất như ý, mẹ vẫn xót thương cốt nhục của mình, nỡ nào … Và nó đã nhanh chóng chinh phục bố, dù quen hơi béng tiếng “cô” hơn là được âu yếm trong vòng tay ấp yêu của mẹ …
Rồi vận may vần xoay lốc xoáy “tài lợi – bổng lộc”. Bố mẹ sa lầy bi kịch nghi kỵ, ghen tuông, tiềm ẩn mối nguy “tan đàn xẻ nghé”. Thế nhưng, thẳm sâu tận vùng vô thức của bố, con hiện thân: thần thái uy quyền “tử hoàng bé bỏng”, vật báu – đã hàn gắn, keo sơn bố mẹ.
Với em, chị: cá tính mạnh mẽ, tuyệt vời, vô đối, đã đeo điều gì là bám đến đích, rất biết cách nhường em, không so đo, kèn cựa, tị nạnh, hiềm khích … Lúc con khoái model quần hộp hầm hố, sơ mi dày cộp, thì em thướt tha váy áo ren rua xúng sính …. Am tường văn hóa gần xa, mở mang tầm nhìn rộng ra thế giới xung quanh … Hai chị em tỏ vẻ "hợp gu", trùng khớp quan điểm, sở thích ... Bố mẹ hài lòng phần thưởng thượng đế ưu ái trao tặng.

Để không thua bạn kém bè, trám trét khoảnh khắc trống vắng "bảo mẫu" trông nom. Đúng lúc “đày tớ nhân dân: ăn cơm chúa phải múa tối ngày” bấn loạn, lùng nhùng, rối rắm, ngập ngụa bởi bòng bong vụ nọ, việc kia ... Bố mẹ cho con thọ giáo hầu khắp “môn – phái” có thể … Tập trung ở trường hoặc gia sư kèm cặp tại chổ … Nhồi văn hóa nhét ngoại ngữ, hết giờ võ thuật, ù té đến lớp đàn organ, xong ca nhịp điệu, tiếp khóa bơi lội … Hệ lụy: kết thúc cấp một trong ngỡ ngàng!. Rút kinh nghiệm, mục tiêu nhằm đậu đúng trường theo nguyện vọng, mẹ con mình phải hoạch định “sách lược cở Gia Cát Lượng”… Thế là hiễn hách thẳng tiến Trung học Trưng Vương.
Cho đến một đêm, tuy phấn khởi hào hứng hãnh diện con trúng tuyển Chương trình giao lưu văn hóa Mỹ. Bố mẹ nhàu nhĩ, nát óc phân vân, khắc khoải hãi sợ hiễm họa xa nhà ở lứa tuổi 16 của con … Suy tư, cân nhắc, trăn trở chán chê rồi cũng đồng thuận bẻ ngoặt để con rẽ hướng du học tự túc Singapore. Sau nhiều tháng chim non rời tổ, bố mẹ vẫn chưa hoàn hồn. Khối lo, to hơn cơn đau buồn nhớ khúc ruột vuột đứt. Còn con ráo hoãnh, hân hoan, hăng hái, hăm hở, vút bay, vụt biến, bãi đáp được mặc định là miền đất hứa, bất chấp cạm bẫy bũa giăng. Bố mẹ nghiền ngẫm mớ kiến thức pháp luật, kinh tế, tài chính còm, cạy cục tính toán sít sao khoản hiện còn, sẽ có, hầu chu cấp cho con … Nhọc nhằn như thế, hơn thế bố mẹ cũng cam, miễn sao con ở xứ người yên ổn thành danh. Ai đó thẻ thọt: “tay không bắt giặc” là chiêu gầy dựng cơ ngơi, tích tụ “tiền đồ” của bố - mẹ, chẳng sai mà chưa hẳn đúng. Vương nợ sanh, nghĩa dưỡng các đấng sinh thành … Bố mẹ tu chí, tận lực cần lao, đi tắt đón đầu … phải đâu ngẫu nhiên không đánh mà thắng.

Hai mươi hai tuổi, đoạt học vị Cử nhân, con đã có hơn sáu năm tung hoành ở nước ngoài, thông thạo ba bốn ngoại ngữ, dăm bảy lần vi vu làm khách nhàn du Thái Lan, Trung quốc, Mã lai, Lào … Nhật là chốn con đang tạm dừng chân … Sành sõi, rành rẽ đúng chuẩn công dân toàn cầu. Trang lứa trạc tuổi này, ba mươi năm trước, bố mẹ còn tẩn ngẩn tần ngần, thập thò leo lên bậc thềm giảng đường Đại học, chưa biết hết, chưa thấy hết Miền Nam Việt Nam … Nên chăng bố mẹ hã hê, thỏa thuê tự trào, viên mãn, bởi: “con hơn cha là nhà có phúc”, có lố quá không, khi: “bảy mươi chưa què, chớ khoe là lành(?).
Tạ ơn Trời đã phù hộ, phổ độ, trợ giúp cái bố mẹ cần. Nếu được phép, mẹ khao khát khẩn cầu xin thêm: “hai chàng rễ hiền lương đôn hậu”, hết lòng yêu thương, chăm sóc, đùm bọc, chở che, dìu dắt các con bền lâu … Nay bố mẹ ngấp nghé lục tuần, hoàng hôn bóng xế chiều tà, mắt mờ chân chậm lần dò dần xuống triền núi bên kia."Lực bất tòng tâm" như cung đàn lạc điệu, lỗi nhịp, sao còn có thể đồng hành cùng các con … Âu cũng là quy luật của muôn đời (!).
Xem xong bộ phim Việt, người ta có thể phát giác vô số hạt sạn. Hơn nữa đời sống sót trong loạn lạc nhiễu nhương, ranh giới "tối-sáng" nhá nhem, nhòe nhoẹt … Hẳn bố mẹ bỏ lại đằng sau mình hằng hà những viên sỏi lớn nhỏ sắc cạnh, gây rách da tóe máu nếu dĩ lỡ dẫm đạp … Mẹ biết con kín kẽ câm nín, chịu đựng thiệt thòi bức bối do cách ứng xử của người lớn trong nhà, nấu ăn không hợp khẩu, đưa đón bê trễ. Ấn tượng nhất, có lẻ là cái kiểu "cô" thiên vị em ... Còn nữa, với xiết bao vất vả, chật vật ... Con lẻ loi, dũng cảm bon chen tồn tại ở xứ người …
Thương bố mẹ, con hãy vùi sâu, chôn chặt kỹ niệm buồn. Coi đó như "dấu giáng", "nốt lặng" vốn có trong dòng nhạc mình không ưa chuộng ... Cả nhà ta hướng về một phương, vui vẽ, nhẫn nại lượm đá hòn, nhặt gai nhọn … Người ta thường nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện” nhưng để đạt “chân, thiện, mỹ” phải tâm huyết kiên trì hành động, chiến đấu với bản thân, triệt thói hư tật xấu, diệt cái ác bằng chính lối sống đúng đắn, cao đẹp. Nôn nóng, bộp chộp rẽ trái, mộng mị sớm nhởn nhơ lướt êm trên dải thảm đỏ, dễ dãi thụ hưởng trái ngon vừa chín mọng ... đoạn kết ngậm ngùi gặt toàn quả đắng … Dẫu "thuốc đắng dã tật", tỉnh thức người giàu nghị lực. Song nghiệt ngã lại là độc dược dành cho kẻ yếu đuối, đớn hèn.
Gom góp quỹ thời gian ít ỏi hạn hẹp, mẹ trải lòng ra đón con vào như khi xưa còn bé … Mong con chia sẻ, thấu hiểu rằng: không bao giờ bố mẹ quên con, không bao giờ bố mẹ bỏ con, không ai quý con hơn bố mẹ. Con thành công, bố mẹ sướng vui. Con thất bại, bố mẹ đau buồn. Thành công, không chỉ muốn sẽ được. Thất bại, chẳng ai mời vẫn tới. Thành công hay thất bại là những bước thăng, trầm của một đời người. Thắng, cho ta nếm vị ngọt. Thua, cho ta nêm vị đắng. Dân gian có câu: “ngọt mật chết ruồi”, với bố mẹ ngọt hay đắng không quan trọng. Bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là "gia vị", nó không làm đảo ngược thực thể vĩnh hằng: con, mãi mãi vẫn là con của bố mẹ.
Bây giờ con hãy nhắm đôi mắt lại, hít thật sâu, ngửi ra mùi gì nào? hình dung đi: Ồ! chiếc bánh gateaux, màu nâu đen phủ dày, vây kín lớp lớp chocolate bóng loáng, ngào ngạt thơm lừng, cùng 22 ngọn nến lung linh nhảy múa phụ họa … Mừng con trưởng thành. Từ tốn, khẽ khàng, nhấm nháp hương vị đặc thù của chiếc bánh sinh nhật đến muộn nhé con.
Chúc con vạn sự an lành!